Năm 2000:

Thời Điểm Tận Thế?

 

            Nói đến hay nghe đến năm 2000 người ta thường nghĩ đến tận thế. Phải, theo mạc khải của Kitô giáo thì ngày tận thế chắc chắn phải xẩy ra (x.Mt.24:34-35). Tuy nhiên, cũng theo như nguồn mạc khải này thì không ai có thể biết được ngày tận thế là ngày nào (x.Mt.24:36), ngoài việc sửa soạn cho ngày đó mà thôi (x.Mt.24:42).

            Vậy thì việc cả Giáo Hội Công Giáo đang sửa soạn một cách hết sức vĩ đại và long trọng cho năm 2000 hiện nay phải chăng là việc sửa soạn cho ngày tận thế?

            Về điều này không ai có thể khẳng định. Tuy nhiên, có một số những sự kiện, minh nhiên hay kín nhiệm, liên quan đến biến cố này không thể nào không xét đến.

            Sự kiện thứ nhấtĐức Thánh Cha Gioan-Phaolô II khởi xướng và phát động cuộc sửa soạn dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 cho cả Giáo Hội Công Giáo, ngay từ khi ngài ban bố bức thông điệp đầu tiên của ngài vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm 1979, ngày 4 tháng 3. Đó là bức thông điệp "Redemptor Hominis" (Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại). Đức Thánh Cha đã lập lại điều này ngay trong tông thứ "Tertio Millennio Adveniente" (Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến) của ngài như sau:

            "Từ lúc ban hành văn kiện tiên khởi cho giáo triều của Tôi, Tôi đã nói rõ ràng về Cuộc Đại Hỷ năm 2000, phác họa cho thời gian đưa đến cuộc mừng này là thời gian phải được sống như 'một Mùa Vọng mới' (thông điệp Redemptor Hominis, đoạn 1). Đề tài này từ đó đã được tái hiện nhiều lần, và được bàn đến sâu rộng trong thông điệp Dominum et Vivificantem (đoạn 49). Thật vậy, việc sửa soạn cho năm 2000 đã thực sự là một chiếc chìa khóa diễn giải (a hermeneutical key) cho cả giáo triều của Tôi" (đoạn 23). (những chỗ được in đậm ở đây, cũng như ở những trích dẫn sau này, cố ý là để nhấn mạnh theo chủ ý của người dịch).

            "Mùa vọng mới" ở đây là gì, nếu không phải, theo ý nghĩa của phụng vụ, là mùa trông đợi Chúa Kitô đến, đúng như Đức Thánh Cha đã xác định cũng ngay trong đoạn mở đầu của bức thông điệp được nhắc đến trong đoạn trích dẫn trên đây: "Chúng ta, một cách nào đó, đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa trông mong...". "Trông mong" ai, nếu không phải là, theo ý nghĩa của toàn bức thông điệp, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại". Như thế, Giáo Hội đang ở vào thời điểm của "một Mùùa Vọng mới" đây là gì, nếu không phải là Giáo Hội đang sửa soạn "trông mong" Chúa Kitô, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" đến lần thứ hai. Phải chăng vì thế mà "Mùa Vọng mới" này được kể từ Công Đồng Chung Vaticanô II, như Đức Thánh Cha đã xác định trong tông thư "Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến": "Theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, những việc sửa soạn trực tiếp liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 thật sự bắt đầu từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến (x.Rev.4:8)" (đoạn 20). Thế nhưng, qua Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hội đã "sửa soạn trực tiếp" để "nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến" như thế nào, nếu không phải như một "tân Gia-Liêm... trang điểm để nghênh đón chàng rể" (Rev 21:2), bằng việc "tự vấn về căn tính riêng của mình, và đã nhận thức lại mầu nhiệm của mình là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô" (tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 19).

            Sự kiện thứ hai liên quan đến cả bản thân của Đức Giáo Hoàng lẫn việc ngài phát động và phác họa chương trình sửa soạn cho năm 2000. Đó là lời tiên báo từ mạc khải tư của chị Faustina, một nữ tu người Balan, được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II phong chân phước ngày 18-4-1993, (khi còn làm hồng y tổng giám mục ở Cracow, Balan, chính ngài cũng là vị đã vận động phong thánh cho chị từ ngày 20-91967). Lời tiên báo trùng hợp có thể hiểu ám chỉ về bản thân của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II này như sau:

            "Cha dành cho Balan một tình yêu đặc biệt, mà nếu nó tuân phục ý muốn của Cha, Cha sẽ nâng nó lên trong thế lực và thánh thiện. Từ nó sẽ phát hiện một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến sau hết của Cha" ("Divine Mercy", sister M. Faustina Kowalska, Marian Helpers Press, second edition, 1990, đoạn 1732).

            Ở đây chúng ta cũng nhớ lại câu truyện kể Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II được cha Piô 5 dấu tiên báo về việc ngài sẽ lên làm giáo hoàng. Truyện xẩy ra là, sau khi bầu vị giáo hoàng tiếp kế Đức Phaolô VI xong, ngài có ghé thăm cha Piô 5 dấu, và được vị linh mục thánh thiện này cho biết ngài sẽ làm giáo hoàng vào khóa tới. Do đó, khi nhận được điện đi bầu giáo hoàng lần nữa, thay Đức Gioan-Phaolô I băng hà sau 33 ngày chăn dắt Giáo Hội, linh cảm được lời tiên báo của cha Piô 5 dấu, ngài đã cho thu hết đồ đạc của mình lên đường. Và qủa thật, ngài đã được hồng y đoàn bầu lên làm giáo hoàng ngày 16-10-1978. Lời đầu tiên của vị tân giáo hoàng Gioan-Phaolô II này là "Đừng sợ", một lời kêu gọi liên quan đến tình hình thế giới, như nhận định của ngài chia sẻ được nhắc đến trong đoạn "sự kiện thứ ba" dưới đây, mà ngài sẽ phải chăn dắt để Giáo Hội có thể "vượt qua ngưỡng cửa hy vọng".

            Sự kiện thứ balời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói trong một bài suy niệm về sự chết vào ngày 13-4-1980. Lời nói của ngài liên quan đến ngày cùng tháng tận của lịch sử như sau:

            "Con người sợ chết. Con người tự vệ để khỏi bị chết. Và xã hội có bảo vệ cho họ khỏi chết... Không phải hay sao, nỗi sợ hãi đang vây bủa con người hiện đại, tự gốc rễ sâu xa của nó, là vì 'cái chết của Thiên Chúa'? Không phải là cái chết trên thập giá... Nhưng là cái chết mà con người làm cho Ngài chết nơi chính mình họ, nhất là ở vào những giai đoạn cuối cùng trong giòng lịch sử của mình" (The Vatican II Weekday Missal, St. Paul edition, 1975, trang 786)

            Sự kiện thứ bốnmột câu trong tông thư "Tertio Millennio Adveniente" mà Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô viết mang tính cách tiên tri. Đó là câu sau đây:

            "Năm Thánh Mẫu 1986/87 thực sự là một ngưỡng vọng về cuộc kỷ niệm (Đại Hỷ) này, nó cũng chất chứa nhiều điều sẽ được thể hiện hoàn toàn hơn vào năm 2000" (đoạn 26).

            Ở đây chúng ta liên tưởng đến việc Đức Thánh Cha có thể biết đến Bí Mật Fatima phần thứ ba. Chính ngài là vị Giáo Hoàng đã thực hiện đúng ý muốn của Thiên Chúa trong việc hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 25-3-1984. Kết qủa của sự kiện Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa trong việc hiến dâng nước Nga này cũng đã được ngài nhắc lại trong cùng một tông thư trên đây, ở ngay đoạn 27 kế tiếp đó:

            "Thật khó lòng mà quên được Năm Thánh Mẫu diễn ra không bao lâu trước những biến cố năm 1989. Những biến cố này vẫn còn làm cho người ta ngỡ ngàng về sự việc xẩy ra có tính cách rộng lớn, nhất là có tính cách tốc độ của nó. Thập niên 1980 là những năm được đánh dấu bằng mức độ tăng phát tai biến bởi một cuộc Chiến Tranh Lạnh. Năm 1989 đã dẫn đến một giải quyết nhẹ nhàng, bằng hình thức lan tràn một cách thứ tự lớp lang, đúng như nó đã xẩy ra... Những biến cố này đã hé mở ra cho người ta có thể nhận thức được rằng có một bàn tay quan phòng vô hình đã nhúng vào bằng tấm lòng chăm sóc của một hiền mẫu: 'Có thể nào một người nữ quên được đứa con nhỏ của mình chăng?' (Is.49:15)".

            Thật ra, tất cả những sự kiện trên đây đã được chúng tôi bàn giải sâu rộng và kỹ lưỡng trong hai cuốn "Trái Tim Mẹ Toàn Thắng", xuất bản dịp lễ Giáng Sinh 1992, kỷ niệm một năm sau khi Nước Nga trở lại, và cuốn "Hận Thù Quyết Thắng", xuất bản ngày 13/5/1996, hướng đến năm 2000. Sở dĩ chúng được nhắc lại ở đây là vì chúng không phải là những sự kiện hoàn toàn hoang đường, không có thật, mà là những sự kiện lịch sử.

            Tuy nhiên, những sự kiện lịch sử được nhắc lại ở đây lại có một tính cách huyền nhiệm, như chính ngày tận thế vậy. Những sự kiện lịch sử có tính cách huyền nhiệm này bao quanh một con người lạ lùng, đó là Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II:  bao quanh bản thân của ngài (sự kiện thứ 2), bao quanh việc làm của ngài (sự kiện thứ 4) và bao quanh lời nói của ngài (sự kiện thứ 3 và 4). Như thế, phải chăng chính Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II là một điềm báo động ngày tận thế?!

            Nếu công nhận điều này, chúng ta càng có lý do mãnh liệt để tích cực hưởng ứng việc cùng với Giáo Hội sửa soạn mừng đón Đại Năm Thánh 2000, đúng như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã phác họa cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo nói riêng và cho thế giới loài người nói chung.

            Nếu phủ nhận điều này, chúng ta cũng không thể vì thế mà coi thường một biến cố vĩ đại của toàn thể Giáo Hội trước ngưỡng cửa năm 2000, một thời điểm vượt qua của Giáo Hội, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhận định và kêu gọi trong tông thư "Tertio Millennio Adveniente":

            "Cánh cửa thánh của cuộc mừng năm 2000 phải là một biệu hiệu rộng hơn cánh cửa của các cuộc mừng trước đây, bởi vì, nhân loại trong khi tiến đến đích điểm này phải bỏ lại sau lưng không phải chỉ một thế kỷ mà là một ngàn năm. Thế nên, Giáo Hội phải thực hiện cuộc vượt qua này với một ý thức rõ ràng về những gì đã xẩy ra cho Giáo Hội trong 10 thế kỷ qua. Giáo Hội không thể nào bước qua ngưỡng cửa của một thiên niên mới mà không thôi thúc con cái của mình, bằng việc thống hối, thanh tẩy những lỗi lầm quá khứ cũng như những lúc bất trung, bất nhất và hành động chậm chạp" (đoạn 33).

 

Khởi soạn ngày 24-11-1996,

Lễ Chúa Kitô Vua và Các Thánh TĐVN

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL